Trong số những ngành kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn của thị trường du lịch, không thể không kể đến ngành kinh doanh khách sạn; và mỗi chỉ số trong ngành đều có tác động đến việc xác định lợi nhuận của doanh nghiệp. Vậy nên, trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chỉ số RevPAR - một trong những chỉ số quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
Vậy RevPAR là gì? Vai trò của chỉ số này trong ngành kinh doanh khách sạn cụ thể là gì? Tìm hiểu cùng mình bạn nhé!
RevPar là gì?
Thuật ngữ RevPAR được viết tắt từ cụm tiếng anh Revenue Per Available Room; thể hiện mức doanh thu dựa trên tổng số phòng đang sẵn có của khách sạn bạn - bao gồm cả phòng có khách nghỉ và không có khách nghỉ.
Việc hiểu hơn về các thuật ngữ chuyên ngành khách sạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý và điều hành khách sạn bạn nhé!

Dựa vào chỉ số RevPAR, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc giám sát doanh số thu về thực sự, từ đó có thể đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của khách sạn chính xác nhất tại một khoảng thời gian nhất định.
Bạn đã từng nghe đến thuật ngữ reservation? Nếu chưa, cùng mình tìm hiểu tại đây nhé!
Công thức tính RevPAR
Dưới đây là công thức tính chỉ số RevPAR trong ngành khách sạn:
RevPAR = Rooms Revenue ( Doanh thu phòng) / Rooms Available ( Số phòng sẵn có tại khách sạn)
Ví dụ: Một khách sạn có tổng số 150 phòng, trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân là 90%. Chi phí trung bình cho một phòng là $100/đêm. Khách sạn đó muốn biết RevPAR của mình để có thể đánh giá chính xác hoạt động thì người quản lý khách sạn có thể tính toán như sau:
( $100/đêm x tỷ lệ lấp đầy 90%) = $90
=> Như vậy chỉ số RevPAR của khách sạn là $90/ngày.

Lưu ý: Không ít người nhầm tưởng rằng RevPAR sẽ đánh giá được tất cả lợi nhuận thu về tại một khách sạn. Tuy nhiên, RevPAR chỉ giúp người quản lý nhìn được thu nhập phần trăm bán phòng; không bao gồm lợi nhuận đến từ ăn uống, spa, dịch vụ phòng hay tour. Vì vậy, hãy lưu tâm hơn đến các chỉ số khác nhé, cụ thể là: occupancy rate, room rate và rack rate.
Vai trò và hạn chế của RevPar trong kinh doanh khách sạn
Vai trò
Trong số những phép tính của lĩnh vực kinh doanh khách sạn, RevPAR được đánh giá là phép tính vô cùng quan trọng; được xem như một loại KPI mà nhà quản lý đặt ra để từ đó có cái nhìn tổng thể cũng như dễ dàng đánh giá được mức độ hiệu quả hoạt động của khách sạn trong một khoảng thời gian cụ thể.

Ngoài ra, dựa trên chỉ số RevPAR, người quản trị có thể so sánh đối chiếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình với các đối thủ để đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trong tương lai.
Hạn chế
Bên cạnh vai trò nổi bật kể trên, ở RevPAR có tồn tại một số mặt hạn chế sau đây. Đầu tiên, bạn không thể nhìn vào chỉ số này và đưa ra kết luận về kết quả của toàn bộ hoạt động kinh doanh. Do vậy, RevPAR không phải là thước đo hoàn hảo cho hiệu suất tổng thể. Bởi, không ít các khách sạn có chỉ số RevPAR thấp; tuy nhiên sở hữu nhiều phòng hơn thì kết quả vẫn sẽ là doanh thu cao hơn.

Thứ hai. sự tăng trưởng của RevPAR không chỉ ra lợi nhuận của khách sạn bạn cũng đang tăng. Lý do là vì chỉ số này không sử dụng bất kỳ thông tin hay thước đo về lợi nhuận nào. Vậy nên, nếu như bạn chỉ tập trung vào RevPAR thì khách sạn có thể đối mặt tình trạng giảm sút cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
So sánh thuật ngữ RevPAR và TRevPAR
TrevPAR cũng là một trong những chỉ số được sử dụng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, không ít người nhầm lẫn RevPAR với TRevPAR. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong định nghĩa, công thức, và vai trò của 2 chỉ số này, cùng mình theo dõi bảng dưới đây nhé:

Ví dụ: Kết quả kinh doanh trong tháng 7 của khách sạn A và B như sau:
Chỉ số | Khách sạn A | Khách sạn B |
---|---|---|
Số phòng có sẵn | 110 phòng | 135 phòng |
Tổng số phòng Tháng 7 (1) | 110 (phòng) x 31 (ngày) = 3410 | 135 ( phòng) x 31 (ngày) = 4185 |
Doanh thu phòng Tháng 7 (2) | 110,000 USD | 145,000 USD |
Doanh thu F&B Tháng 7 (3) | 225,000 USD | 175,000 USD |
Tổng doanh thu Tháng 7 (4) (2) + (3) | 110,000 + 225,000 = 335,000 USD | 145,000 + 175,000 = 320,000 USD |
RevPAR Tháng 7 (2) / (1) | 110,000 / 3410 = 32,27 USD | 145,000 / 4185 = 34,65 USD |
TRevPAR Tháng 7 (4) / (1) | 335,000 / 3410 = 98,24 USD | 320,000 / 4185 = 76,46 USD |
Qua ví dụ, ta thấy rằng dù có chỉ số RevPAR thấp hơn khách sạn B nhưng về tổng doanh thu trên mỗi phòng có sẵn, khách sạn A lại cao hơn.

Vậy nên, có thể đưa ra kết luận rằng: cả 2 chỉ số RevPAR và TrevPAR đều đóng vai trò quan trọng giúp nhà quản lý khách sạn dựa lên để tính toán và xem xét, từ đó có thể đưa ra chiến lược hợp lý trong việc cải thiện mô hình kinh doanh khách sạn của mình.
Có thể bạn muốn biết: Service charge là gì? Những điều bạn cần biết về service charge trong khách sạn 2022
Những yếu tố giúp cải thiện RevPar cho doanh nghiệp
Nắm bắt xu hướng thị trường
Thị trường du lịch thường biến động do sự thay đổi của cung-cầu; vậy nên khả năng nắm bắt, cập nhật và phân tích tốt xu hướng là điều vô cùng cấp thiết và cần có ở mỗi nhà quản trị khách sạn.
Vậy nên, hãy theo dõi thường xuyên về nhu cầu lưu trú của khách trong những thời điểm nhất định tại khu vực địa phương bạn. Công việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực đến RevPAR của khách sạn bạn.

Tối ưu hóa công cụ quảng cáo, marketing cho khách sạn
Bên cạnh chiến lược phân tích xu hướng thị trường kể trên, mình khuyên bạn nên tối ưu hóa và đẩy mạnh hoạt động tiếp thị qua các công cụ quảng cáo hay marketing cho doanh nghiệp. Bởi, đây được cho là một trong những phương pháp kích thích lượng truy cập vào trang web khách sạn; từ đó mà có thể khuyến khích khách hàng đặt phòng trực tiếp qua hình thức trực tuyến.
Bạn có thể cân nhắc quảng cáo dịch vụ và hình ảnh khách sạn trên các nền tảng số được ưa chuộng bởi đa số người dùng Internet hiện nay như là Facebook, Instagram hay Tiktok để nâng cao nhận thức khách hàng về thương hiệu của bạn.

Ngoài ra, đừng bỏ quên những đánh giá và phản hồi (feedback, review) trên các kênh OTA; mà thay vào đó hãy quan tâm, chăm sóc khách bằng việc theo dõi và trả lời những đánh giá đó. Có thể bạn chưa biết, theo một khảo sát của TripAdvisor về hành vi truy cập của người tiêu dùng, thì trung bình khách sẽ đọc 6-12 nhận xét trước khi đi đến quyết định đặt phòng.
Việc cảm ơn khách dù đó là những phàn nàn hay trải nghiệm tiêu cực cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ của khách sạn bạn. Ngoài ra, chiến lược này cũng cho thấy được sự chuyên nghiệp cũng như giúp xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng.
Lưu ý blackout date và allotment để đưa ra những chiến dịch quảng bá khách sạn phù hợp nhất nhé!
Luôn cập nhật, nâng cao chất lượng dịch vụ
Việc nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo điểm khác biệt trong trải nghiệm của khách hàng là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cải thiện doanh thu của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong giai đoạn ngành dịch vụ khách sạn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Vậy nên, đừng quên cải thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị; rồi điều chỉnh nghiệp vụ tại các bộ phận kèm kết hợp các gói ưu đãi hấp dẫn để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Từ đó, chắc chắn khách hàng sẽ quay trở lại với khách sạn nhiều lần hơn; giúp doanh nghiệp của bạn được nâng tầm thêm 1 bậc so với những đối thủ cạnh tranh khác. Và từ đó, RevPAR cũng được cải thiện rõ rệt hơn!
Tìm hiểu về amenities trong khách sạn để hiểu hơn về tầm quan trọng của amenities trong việc đánh giá trải nghiệm của khách hàng nhé!
Kết luận
Bài viết đến đây là kết thúc; hy vọng rằng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chỉ số RevPAR trong hoạt động kinh doanh khách sạn. Từ đó sẽ lưu tâm nhiều hơn để có thể đưa ra những chiến lược phù hợp cho việc thúc đẩy doanh thu cũng như đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.