Ở bài viết trước, Cohost đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về kinh tế chia sẻ. Như đã đề cập ở bài viết trước, mô hình sharing economy được áp dụng nhiều trong chia sẻ lưu trú, vận chuyển và chia sẻ thời trang.
Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về Vinted, công ty áp dụng kinh tế chia sẻ trong thời trang nhé.
1. Câu chuyện của Vinted
Vinted được thành lập bởi hai người trẻ Lithuania, fashionista Milda Mitkute và chuyên gia IT Justas Janauskas. Vinted ra mắt người dùng vào năm 2008 khá dễ dàng bởi trang web được chính hai nhà sáng lập tự tay xây dựng.

Nhà sáng lập Milda Mitkute thú nhận rằng cô nghiện shopping. Cô có hơn 100 bộ quần áo không sử dụng đến. Sau nhiều năm, Milda đã tìm ra cách chữa trị cho căn bệnh của mình - đổi quần áo với người khác thay vì vứt chúng đi. Tuy nhiên, cô lại là tay mơ về công nghệ, không biết cách xây dựng một nền tảng trực tuyến.

Khi gặp Justas, một chuyên gia về công nghệ, vấn đề đã được giải quyết. Kết hợp niềm yêu thích mua sắm và sự sành sỏi về công nghệ, Vinted ra đời.
Khi ra mắt, Vinted ngay lập tức thành công tại thị trường Lithuania. Vào thời điểm ấy, hai nhà sáng lập không có một đội ngũ hùng hậu cũng như một kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết. Điểm sáng duy nhất có lẽ là việc cả hai đều tin tưởng vào điều mình đang làm. Chỉ khi bắt đầu dấn thân vào những thị trường mới họ mới chú ý đến việc nghiên cứu thị trường và lên kế hoạch chiến lược.
Đọc thêm: Nên gọi người lao động hay đối tác với kinh tế chia sẻ?
2. Vinted - Mua, bán và trao đổi
Câu chuyện thành lập của Vinted chứng minh rằng startup này là ví dụ tiêu biểu của mô hình sharing economy - chia sẻ việc sử dụng tài sản hay dịch vụ nhàn rỗi để thúc đẩy hợp tác. Hầu hết các thông tin về Vinted chỉ dừng lại ở việc đây là nền tảng giúp các cá nhân mua và bán quần áo thuận tiện.

Tuy nhiên, Vinted còn cho phép người dùng trao đổi quần áo đã sử dụng, giày dép hay những phụ kiện, trang sức liên quan với những người có chung sở thích, gu ăn mặc. Ứng dụng này cho phép bạn dọn dẹp tủ quần áo của mình và tạo ra thu nhập từ những bộ quần áo mà bạn không thực sự cần, có khi chỉ diện vào những dịp nhất định trong năm.
Khi tìm kiếm quần áo trên ứng dụng hoặc website của Vinted, những bộ trang phục có biểu tượng trao đổi ngụ ý rằng người bán sẵn lòng trao đổi chúng. Để trao đổi, bạn cần liên lạc với người kia để xác nhận những item muốn trao đổi.
Đọc thêm: Những yếu tố nào đứng đằng sau cách mô hình kinh tế chia sẻ vận hành?

Hoặc hai người có thể thương lượng đồng giá cho những món đồ và mua đồ của đối phương. Khi đó, cả hai sẽ nhận được số tiền bằng đúng số tiền mình đã chi ra, một cuộc mua bán như vậy cũng giống như một cuộc trao đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí là phí vận chuyển hoặc phí bảo vệ người mua.
Đọc thêm: Phân biệt kinh tế chia sẻ với kinh tế Gig và kinh tế hợp tác
3. Thành công của Vinted
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng đau đầu về tủ quần áo của mình. Vứt đi hay giữ lại là câu hỏi nhiều người không thể trả lời được. Vinted ra đời, trở thành câu trả lời hoàn hảo cho vấn đề này.
Hiện nay, Vinted là sàn thương mại điện tử trung gian về lĩnh vực quần áo secondhand lớn nhất tại Châu Âu. Vinted có hơn 30 triệu người dùng đến từ các quốc gia Lithuania, Áo, Bỉ, Séc, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Nó đang lớn mạnh hàng ngày hàng giờ với 90 trang phục được đăng tải hàng phút, cứ 50 giây lại có một giao dịch được thực hiện.
Đọc thêm: TaskRabbit - Chia sẻ kinh tế trước khi kinh tế chia sẻ xuất hiện

Chỉ trong 5 năm từ 2013 đến 2018, Vinted thu hút hơn 100 triệu đô la từ các nhà đầu tư để phát triển. Hiện tại, giá trị của công ty ở vào khoảng 4,5 tỷ đô la, mức tăng trưởng đáng khen so với 1 tỷ đô la vào năm 2019.

4. Triển vọng tương lai
Triển vọng phát triển của Vinted là vô cùng lớn. Người tiêu dùng hiện nay đang dần quan tâm đến việc phát triển bền vững, việc sản xuất, tiêu dùng những bộ cánh mới tinh không còn là lựa chọn hàng đầu với nhiều người.
Bán lẻ trang phục truyền thống rơi tự do vào năm ngoái, nhường chỗ cho thị trường secondhand. Quần áo cũ được dự đoán sẽ tăng trưởng đến 64 tỷ đô la trong 5 năm tới, và dần dần sẽ thay thế xu hướng Fast Fashion với những cái tên đình đám như Zara, H&M, Uniqlo.
Đọc thêm: Airbnb - Ví dụ điển hình cho mô hình kinh tế chia sẻ

Những ứng dụng quần áo secondhand khác cũng đang dần trở nên phổ biến như Depop của Anh hay Vestiaire Collective của Pháp với hàng chục triệu người dùng. Những người từng mua sắm thời trang giá rẻ tại những cửa hàng trên phố đã chuyển đến những cửa hàng trên mạng.

Những ứng dụng secondhand như kể trên cũng đều áp dụng mô hình sharing economy. Trong tương lai, sự cạnh tranh giữa Vinted và chúng là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt khi các ứng dụng đều đang cùng nhắm vào thị trường châu Âu. Việc duy trì vị thế dẫn đầu sẽ là một thách thức với những nhà điều hành Vinted.
Đọc thêm: Cùng tìm hiểu về BlaBlaCar - ví dụ đúng đắn cho kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực giao thông
Cohost hi vọng đã đem đến cho bạn những thông tin thú vị về Vinted, startup đã thành công áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực thời trang. Chia sẻ thời trang là một ý tưởng thú vị, nhưng còn rất nhiều lĩnh vực và công ty khác cũng thành công trong việc áp dụng mô hình sharing economy. Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của Cohost về chủ đề này nhé.